Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Giáo dục quyền con người được coi là một cách để xây dựng và đẩy mạnh kiến thức về quyền con người cũng như những thái độ và kỹ năng cần thiết để thực hiện quyền con người. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để mọi người có thể thực hiện quyền con người như một thói quen, các chủ thể của quyền cần nắm rõ quyền của họ và có thái độ, kỹ năng để đấu tranh cho các quyền đó, còn các chủ thể có nghĩa vụ cần hiểu rõ nghĩa vụ thực hiện quyền con người của họ và có thái độ, kỹ năng tôn trọng, bảo vệ đầy đủ các quyền con người; thông qua đó, góp phần tạo ra một nền văn hóa phổ quát về quyền con người, nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa các hành vi vi phạm và giúp người thụ hưởng nói chung biết cách tự bảo vệ các quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác

Mục đích của giáo dục quyền con người là hướng tới sự tôn trọng công bằng, luật pháp, các quyền và tự do cơ bản của con người, không phân biệt đối xử bởi bất kỳ lý do gì từ phía cơ quan nhà nước, các thành phần khác trong xã hội và ngay trong chính bản thân mỗi công dân; phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người; thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các quốc gia, người bản địa và các nhóm chủng tộc, quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ; khả năng hoạt động một cách có hiệu quả của tất cả mọi người trong một xã hội tự do[3].

 Thực tiễn tuyên truyền, giáo dục về quyền con người tại Việt Nam trong thời gian qua

Việt Nam luôn xác định giáo dục quyền con người là một trong những biện pháp thực thi quyền con người. Bởi vì, giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người[4]. Ở Việt Nam, giáo dục quyền con người không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn được xem là nhiệm vụ tự thân xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Quan điểm này đã được nhắc lại trongChỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó xác định: giáo dục quyền con người là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với việc đưa giáo dục quyền con người lồng ghép trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 5-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân… làm tiền đề cho việc xây dựng các chương trình giảng dạy khung của các bậc đào tạo trong cả nước.

Trong quá trình đối thoại UPR chu kỳ III của Việt Nam diễn ra vào đầu năm 2019, có 121 phái đoàn của các nước thành viên Liên hợp quốc đã tham gia đối thoại với phái đoàn Việt Nam và đã đưa ra 291 khuyến nghị[5]. Trong đó, Việt Nam đã nhận được 14 khuyến nghị về tăng cường giáo dục quyền con người đến từ 13 quốc gia khác nhau với các nội dung chủ yếu như[6]:

- Lồng ghép công ước về quyền trẻ em, công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối với phụ nữ, Công ước về quyền của người khuyết tật vào sách giáo khoa để phổ cập đến toàn dân.

- Đến năm 2025, hoàn thành việc đưa nội dung giáo dục về quyền con người trong tất cả các cơ sở giáo dục.

- Nâng cao nhận thức của người dân về các công uốc quốc tế về quyền con người.

- Thúc đẩy tuyên truyền để góp phần nâng cao kiến thức của cán bộ nhà nước và người dân về quyền con người.

   Tại Báo cáo trả lời năm 2019 của Chính phủ Việt Nam về các khuyến nghị, Việt Nam chấp nhận 14 khuyến nghị về giáo dục quyền con người[7]. Để có được kết quả đó, Việt Nam đã phối hợp các cấp, các ngành thực hiện nhiều hoạt động như đẩy mạnh hoạt động truyền tải giáo dục về quyền con người vào chương trình đào tạo các cấp, triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người, đồng thời xây dựng các chương trình/kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người. Khi rà soát toàn diện để xây dựng Báo cáo quốc gia chu kỳ III, các kết quả thu thập được từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và đơn vị sử dụng lao động cho thấy, hoạt động tuyền truyền, giáo dục pháp luật về quyền con người đang được thực hiện đã có những kết quả nhất định thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Hoạt động xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân

Trên cơ sở lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ngày 5/9/2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là đề án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. Đề án được xây dựng, một phần cũng nhằm thực hiện khuyến nghị về vấn đề tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người mà Việt Nam đã chấp nhận trong cả 2 chu kỳ UPR.

Cũng trong Đề án này, Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, cơ quan xây dựng Đề án đã có sự điều chỉnh phù hợp với nội dung lồng ghép giáo dục quyền con người cho phù hợp với từng cấp học, cụ thể:

+ Việt Nam đã dần đưa hoạt động giáo dục quyền con người vào trong các chương trình của bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông.

+ Ở cấp tiểu học, các kiến thức về quyền con người được truyền tải ở mức độ đơn giản nhưng rõ ràng.

+ Các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở và phổ thông đã mang tính tiếp cận cụ thể nhiều nội dung của quyền con người. Do đó, dù các bài học vẫn được thiết kế thông qua bối cảnh sinh hoạt hàng ngày, phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh theo từng độ tuổi nhưng các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người.

+ Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em lần đầu tiên là chủ đề của một bài học trong chương trình giảng dạy phổ thông Chương trình học môn Giáo dục công dân dành cho học sinh lớp 6, ngoài ra các quyền học tập, quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về thư tín cũng là nội dung chính của nhiều bài học khác.

+ Chương trình giảng dạy từ lớp 7 đến lớp 9 đã lồng ghép các quyền về môi trường và tự do tín ngưỡng, tôn giáo,Các kiến thức về quyền con người tập trung nhiều hơn ở chương trình giáo dục công dân Lớp 12; theo đó, học sinh được tiếp cận với nhiều nội dung liên quan đến quyền công dân như bài Hiến pháp, các quyền trong lĩnh vực dân sự (trong bài Luật dân sự), các quyền trong tố tụng và một số quyền trong các lĩnh vực cụ thể như đất đai, thuế, hành chính…

+ Đối với bậc đại học, tại các trường có đào tạo Luật, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, công pháp quốc tế..., thậm chí có những cơ sở nghiên cứu và đào tạo đã xây dựng những môn học riêng như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật (Đại học quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Ngoại giao…

+ Đối với hệ đào tạo sau đại học, số lượng các trung tâm nghiên cứu/cơ sở đào tạo có mã ngành đào tạo sau đại học độc lập về quyền con người hiện còn khá hạn chế, chỉ có một số chương trình như: Chương trình thạc sĩ chuyên ngành Pháp luật về quyền con ngườicủa Đại học quốc gia Hà Nội[8], Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,[9]… còn lại chủ yếu là các chương trình đào tạo liên kết. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu quyền con người còn tiến hành các hình thức đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức theo các đề án của Nhà nước; hoặc các chương trình bồi dưỡng kiến thức theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong xã hội.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học về quyền con người

Việt Nam đã thành lập hệ thống các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người như: Viện nghiên cứu quyền con người – VIHR thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người và quyền công dân (CRIGHTS, thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về quyền con người và quyền công dân (thuộc Đại học Luật, Tp. HCM). Ngoài ra, một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam như Viện Nghiên cứu gia đình và giới; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu con người… đã thành lập Phòng Nghiên cứu về quyền con người. Trong đó, có những trung tâm trực tiếp tham gia cả vào hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu nhưng cũng có trung tâm chủ yếu ra đời phục vụ quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về quyền con người. Kết quả của hoạt động nghiên cứu đã củng cố thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền con người, đồng thời bổ sung thêm những nguồn tri thức, luận cứ khoa học mới cho sự phát triển của các nội dung quyền con người và pháp luật về quyền con người; qua đó làm sâu sắc hơn những nhận thức về vấn đề quyền con người trong giới nghiên cứu, học giả. Những giải pháp, đề xuất mà các công trình nghiên cứu khoa học mang lại có thể trở thành nguồn tham khảo rất hữu ích đối với các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật về vấn đề quyền con người tại Việt Nam; đồng thời cung cấp nguồn học liệu phong phú, đa chiều cho đội ngũ học sinh, sinh viên, các nhà nhiên cứu[10]

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như: (i) Dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy của các cấp bậc chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo; (ii) Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có chuyên môn sâu về quyền con người còn tương đối mỏng; (iii) Tài liệu và học liệu giảng dạy còn thiếu; (iv) Kiến thức về quyền con người tuy được giới thiệu trong môn học giáo dục công dân ở cấp phổ thông nhưng không được nhà trường và học sinh chú trọng bằng các môn học như văn học, địa lý, lịch sử,…

- Hoạt động tuyên truyền các nội dung của quyền con người

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức được thực hiện thông qua các hình thức tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung pháp luật trong nước về quyền con người tới các đối tượng phù hợp; phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật về quyền con người; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… Những nội dung pháp luật về quyền con người được lựa chọn để tuyên truyền thường xoay quanh các quyền cơ bản của con người, các công cụ hỗ trợ, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, các trách nhiệm, nghĩa vụ mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nhằm đảm bảo việc tôn trọng các quyền con người cơ bản.

Ngoài ra, một trong những nội dung cũng được quan tâm tuyên truyền đó là các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như các thông tin liên quan đến quy trình báo cáo UPR như: công tác chuẩn bị, quy trình báo cáo, kết quả báo cáo, các khuyến nghị và việc thực hiện các khuyến nghị trên thực tế, những khó khăn và thuận lợi… Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, người dân từng bước nắm bắt, hiểu được những quy định pháp luật cụ thể liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như vai trò và trách nhiệm của mình đối với vấn đề thực thi các nghĩa vụ của quốc gia về quyền con người.

Trên thực tế, sau 3 phiên báo cáo đối thoại UPR, các hoạt động bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ghi nhận là thành tựu to lớn của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, những kết quả này chưa thực sự được phổ cập đến mọi đối tượng thụ hưởng. Điều này một phần do hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người chưa có sự phân hoá về đối tượng; hình thức, phương pháp và các nội dung tuyên truyền còn mờ nhạt, thiếu sự sáng tạo và chưa phổ cập tới toàn bộ các nhóm người thụ hưởng, đặc biệt là những người thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những người lao động phổ thông.

                                                                                                                             Bùi Khải

Bản đồ xã Đồng Hưu Bản đồ xã Đồng Hưu

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,008
Tổng số trong ngày: 24
Tổng số trong tuần: 23
Tổng số trong tháng: 1,175
Tổng số trong năm: 12,998
Tổng số truy cập: 29,905